Ngày 22
Mầu nhiệm Mùa Thương - Đức Giêsu Vác Thập Giá
Thứ bốn : Đức Chúa Giêsu vác cây Thánh Giá. Ta hãy xin cho được vác Thánh Giá theo chân Chúa.
Đức Giêsu đã tâm sự ngày 21.3.1923 với Josepha Menendez :
« Đang khi Trái Tím Cha chìm đắm trong bể đắng cay sầu khổ, bọn lý hình đang tâm đặt lên vai bể nát của Cha cây khổ giá nặng nề làm sao ! »
Cây khổ giá Chúa vác bằng gỗ tùng rất nặng, dài 4 thước rưỡi, ngang 2 thước rưỡi, nặng 100 kí. Chúa vác đi trên khoảng đường khấp khểnh, đầy đá sỏi, dài 100 mét.
Ngài đã bị đánh đòn, bị hành hạ suốt đêm, không còn hình tượng người ta nữa, làm sao vác nổi, nên phải cố gắng bước đi, mệt nhoài lảo đảo, Ngài phải ngã quỵ 3 lần :
Đức Giêsu lại giải thích ý nghĩa 3 lần ngã của Ngài :
- Lần thứ nhất, đem lại cho các linh hồn đã bám rễ trong thói hư tật xấu, sức mạnh để cải tà qui chánh.
- Lần thứ hai, khuyến khích các linh hồn yếu đuối, các linh hồn mù quáng và quá buồn phiền vì âu lo. . . Vươn mình lên lấy lại nhiệt tình trên đường nhân đức.
- Lần thứ ba, giúp các linh hồn thống hối vào giây phút quyết liệt nhất, giờ lâm chung.
Trên đường đến tử địa, đã có Mẹ cùng đi. Nhìn đôi mắt đẫm lệ của Ngài dán vào Con với tấm lòng tan nát dạt dào yêu thương, Chúa đã tìm được sức mạnh để đi hết con đường đau khổ dẫn đến Núi Sọ.
Chúng ta hãy thiết tha xin Mẹ song hành cùng ta trên đường đời đầy chông gai và cạm bẫy để cùng Mẹ đến Nước Trời.
Giai thoại
Mộng hoa
Mộng Hoa, hai tiếng êm đẹp đó không phải là một cái tên phảng phất thi vị, hay no đầy hứa hẹn thường được đặt cho người ta.
Mộng Hoa đây là một tài hoa, kỷ niệm mãi một ơn lạ và cụ thể hóa một tâm hồn tình biết ơn; tài hoa vừa mới hai mươi tám xuân thu đã được các báo từ Nam chí Bắc như Annam nouveau, Trung Bắc Tân Văn, Tiếng Dân Ngộ Báo, Phụ Nữ v.v. . . đã một thời thi nhau ca ngợi.
Hai ông bà Nguyễn Khắc Nhân đã luống tuổi mà chỉ có 3 trai, nên rất ước ao một người con gái. Một lần kia, ông cụ lên La Vang để cầu xin ơn ấy. Và tối ngày ông đi hành hương về, bà nằm thấy một Bà rất tốt đẹp, bận toàn trắng cầm nhiều tràng hoa thọ kép. Bà Nghè xin một tràng, Bà kia cho, xin thêm tràng nữa thì Bà mỉm cười và biến đi.
Người nằm chiêm bao liền thức dậy và thuật lại cơn mộng ấy cho chồng nghe.
Ông cụ Nhân liền quả quyết :
- Thế là Đức Mẹ La Vang đã nhậm lời mình. Mình sẽ có thai và sinh con gái.
Và từ ngày đó bà Nghè nhận thấy có thai thật. Đến ngày 15 tháng 8 năm 1913, hai ông bà cùng đi đến nhà thờ Thạch Hãn để dự lễ như mọi khi. Đi được nửa đường, bà thấy trong mình có khác nên trở về. Ông cụ cứ tiến một mình, nhưng đến Thánh Đường, được tâm linh báo thế nào, lại cũng trở về nốt. Về tới nhà thì vợ đã chuyển bụng, có cô mụ hộ sinh mà sinh vẫn không được. Ông cụ cũng rành khoa sản dục, xét thấy hai nghịch, liền thầm thĩ kêu xin cùng Đức Mẹ, và nhờ ông Giáo Dĩ mượn ngựa phóng lên La Vang khấn Đức Linh Mẫu cùng xin nước phép.
Sau khi sản phụ được uống nước La Vang và được vỗ lên trán thì sinh nở ngay một cách dễ dàng.
Ông Nhân liền ôm con đến trước bàn thờ Đức Trinh Nữ và cầu nguyện : « Lạy Đức Mẹ, đây thật là con của Mẹ. Chúng con xin dâng cho Mẹ ».
Ông cụ liền đặt tên ngay cho nhi nữ là Nguyễn Thị Phi Phụng và âu yếm nói với con :
« Ba ao ước sau này con sẽ được huy hoàng như chim phụng. Nhưng nếu con sẽ làm nên gì vẻ vang thì con sẽ mang tên là Mộng Hoa để kỷ niệm ơn lạ mà má chiêm mộng ».
Ba ngày sau, em bé được rửa tội và hân hạnh mang Thánh danh Maria để rồi 16 năm sau, nấc thang nghệ thuật đã tiến dẫn tên Maria Mộng Hoa nổi bật lên trên báo chương khắp toàn quốc.
Chắc chắn nữ sĩ Maria Mộng Hoa không hãnh diện với danh tiếng một thời của mình, cho bằng vui sướng ghi nhớ một ơn lạ suốt đời và nung nấu thầm kín một tâm tình biết ơn đối với Mẹ La Vang.
Giai thoại 2
Tràng chuỗi Mân Côi với những kẻ ốm liệt.
Linh mục Gioakim Soler, dòng ba Đaminh, đã chứng kiến một phép lạ Đức Mẹ ban cho một dì phước và ngài thuật lại như sau :
Tại Phước Viện Đaminh Vinh, nước Y Pha Nho có một dì phước bị bệnh tê liệt trầm trọng. Dì ốm o gầy mòn và không thể cử động được. Suốt hai năm liệt giường liệt chiếu, dì lần chuỗi Mân Côi và suy niệm năm sự Thương Khó Chúa, nên đã chịu đựng đau khổ hết sức can đảm, không bao giờ để lộ một chút phiền hà.
Đức Mẹ soi sáng cho bà Tu Viện Trưởng và các chị đồng tu khiêng chị ra nhà thờ, đặt nằm trước tượng Đức Mẹ. Cả dòng lần chuỗi 150 để cầu nguyện cho chị được thuyên giảm, nếu đẹp lòng Chúa và sáng danh Đức Mẹ.
Trong chuỗi đầu, suy gẫm năm sự vui, dì theo dõi một cách khó nhọc, vì cảm thấy trong mình kiệt lực.
Đến chuỗi thứ hai, gẫm năm sự Thương, dì bắt đầu cảm thấy sức khỏe lần lần hồi phục.
Và chuỗi cuối cùng, chiêm niệm năm sự Mừng, dì tươi hẳn lên và coi như mình vô bệnh, dì tự mình trỗi dậy, quì lên: mọi con mắt đổ dồn đến dì, ngơ ngác. Tim và mắt ai nấy nhấp nháy muôn tình sáng láng như nghìn sao.
Tất cả các nữ tu lớn nhỏ hiện diện trước sự lạ, đều hết sức cảm động, có người phải sa lệ.
Sau Kinh Kính Mừng thứ 150, thánh ca Magnificat được xướng lên trang trọng để cảm tạ quyền phép vô song của Đức Trinh Nữ Mẹ Chúa Trời.
Lời nguyện
Kính Lạy Mẹ Mân Côi, Mẹ thật là Đấng an ủi kẻ âu lo và hằng chữa những kẻ ốm liệt. Kính xin Mẹ thương ban cho nhiều người tật bệnh ốm đau được an thuyên, nhất là những kẻ chào kính Mẹ bằng Kinh Mân Côi. |